Silicon nào phù hợp làm khuôn không cần máy hút chân không? Vì bạn là dân chơi ( vừa làm vừa chơi) mà lại có nhu cầu làm ra khuôn có độ khó cao, chất lượng cao, an toàn mà việc trang bị máy hút, máy nén là một khoản đầu tư lớn nhưng không chắc là bạn sẽ dùng được bao nhiêu lần!
Nếu bạn có dịp vào trang web của Smooth-on, hẳn là bạn sẽ rất bối rối trước quá nhiều loại silicone của hãng có lịch sử từ 1895. Silicone rubber và cure silicone chủ yếu dùng đổ khuôn cũng phân ra rất nhiều dòng, mỗi dòng có nhiều loại khác nhau: - Mold Max - Oomoo Silicone - Smooth – sil - Sorta clear - Mold star - Rebound - EZ-brush silicone - Equinox silicone putty - Body double silicone - Alja –safe Alginate - PMC. Trong đó vài dòng được giới thiệu là ứng dụng cho hobbyist và craft makers do không đòi hỏi phải trang bị máy hút chân không là Oomoo, Mold Star.
Mình chọn 2 dòng là Oomo và Mold star để test thử. Về tiêu chuẩn, hai dòng này đều là hai dòng có quy cách đóng gói khoảng 1kg, tương đối phù hợp cho các sản phẩm nhỏ. Đều là hàng an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu khuôn cần sản xuất là khuôn cho thực phẩm, khuôn trang sức thì bạn nên trang bị máy hút chân không hoặc máy nén và dùng dòng Smooth-sil hay Sorta-clear.
(Oomo)
(Mold Star 30)
Sau khi tiến hành test thử hai dòng này. Mình thấy một số điểm cần lưu ý như sau:
- Dòng Oomoo:
+ Sản phẩm test thử là Oomoo 30,
+ Chất A màu hồng khá sệt, chất B lỏng cần phải khuấy đều trước khi đổ ra.
+ Dù dùng cọ quét bề mặt nhưng thành phẩm vẫn sẽ có bọt khí nếu bạn không cẩn thận.
+ Thời gian thao tác trong vòng 30 phút nhưng trước đó thì hỗn hợp đã khá sệt rồi. Nên phải hết sức nhanh tay hoặc phải chia đổ thành nhiều đợt.
+ Thời gian tháo khuôn là 6 giờ.
+ Oomoo 30 có độ cứng 30 nhưng vẩn có độ xốp khi bóp vào. Dù dùng cọ quét như bề mặt vẫn có một ít bọt khí ( có lẽ do thao tác và tâm trạng khá căng thẳng khi khuấy chất A cho tan bằng được vào chất B nữa) Kết luận: Mức độ dễ thao tác là trung bình, thành phẩm tạo ra trung bình.
- Dòng Mold star:
+ Sản phẩm test thử là Mold star 30
+ Chất A màu trắng có độ đặc vừa phải ( tương đương chất B)
+ Chất B màu xanh dương không bị lắng như dòng Oomoo 30.
+ Trước khi mở nắp lắc đều lọ rồi mở nắp là được.
+ Sau khi hòa đều hai chất thì sản phẩm vẫn còn khá lỏng nên mình chỉ rót mà không cần dùng cọ quét.
+ Mình cũng không xịt chất chống bám mà rót thẳng vào luôn.
+ Thời gian tao tác trong vòng 45 phút ( có thêm 15 phút so với dòng kia). Mình tạm gọi là thời gian thao tác thôi chứ thời gian Pot life được hiểu là thời gian sản phẩm sống, sau thời gian này không còn đổ rót gì nữa. Vì vậy, thời gian trộn hai hợp chất và thời gian rót phải xong sớm hơn 45 phút này.
+ Với loại này sau 1h đã trở nên cứng bề mặt.
+ Sau 2h mình thử tháo khuôn và ra khuôn đẹp, không lỗi, không biến dạng. Tuy nhiên thời gian tháo khuôn mà nhà sản xuất đưa ra là 6h.
Kết luận: Mức độ dễ thao tác là 10/10, thành phẩm mịn, lấy từng chi tiết nhỏ cực tốt.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI THAO TÁC:
1. KHUẤY CHỨ KHÔNG PHẢI NHỒI:
Khi bạn khuấy hai chất A và B mà không dùng máy hút hay máy nén thì bạn không nên rút que lên cao rồi lại kéo xuống. Nếu quá trình đó xảy ra liên tục, bạn vô tình gom rất nhiều bọt khí vào hỗn hợp.
2. CHỈ KHUẤY 1 CHIỀU: bạn cần kiên nhẫn khuấy 1 chiều và tuyệt đối không đảo chiều.
*** Cả hai điều này đúng cho cả Silicon và nhựa Resin.
3. RÓT: Khi rót chỉ rót ở 1 góc, rồi để cho hợp chất tự tràn vào khuôn từ dưới lên trên. Tuyệt đối tránh tình trạng rót thằng từ trên dội xuống giữa sản phẩm, sẽ gom thêm kha khá bọt khí đấy.
Hình trên là khuôn làm từ Mold Star 30.