TRÁNH 10 SAI LẦM KHI DÙNG ĐẤT SÉT NUNG (PHẦN 3)

6. Để đất tiếp xúc với không khí

Vài năm trước đây thì điều tuyệt vời nhất khi dùng đất polymer chính là cách bảo quản. Bạn có thể cất và để bao lâu cũng được miễn là tránh xa nguồn nhiệt, đất sét có thể được dùng bất cứ khi nào bạn muốn. Nó không bao giờ khô, luôn như mới và sử dụng được ngay theo năm tháng. Mình hiện đang có một hộp đất đã 15 năm tuổi rồi và vẫn dùng tốt như ngày đầu mới mua vậy. Nhưng vào năm 2008, khi các hãng bắt đầu thay đổi công thức cho đất polymer thì đất hơi “khó chịu” tí. Gần đây thì mình thấy là đất sẽ trở nên cứng hơn theo thời gian. Vài hãng và vài màu có vẻ dễ bị ảnh hưởng, điển hình như dòng Premo và Fimo kim loại và bán trong.

Với tình trạng này, việc bảo quản đất tốt nhất là nên tránh tiếp xúc không khí. Mình thường để đất bên trong 1 túi zip và để những viên chưa khui ở trong một hộp giày có nắp. Ngoài ra cũng đảm bảo rằng mình dùng đất sớm nhất có thể và không mua quá lố so với khoảng thời gian có thể sử dụng. Đất polymer có thể thay đổi dần theo thời gian và một thanh đất mềm và ẩm khi bạn mua có thể trở nên khô cứng và vụn chỉ một năm sau đó.

Ngoài ra để đất polymer tiếp xúc bên ngoài không khí cũng dễ bị bám bụi bẩn, lông hoặc các sợi vải nhỏ từ quần áo và môi trường xung quanh.

7. Không rửa tay trước khi thao tác đất

Một trong những lí do liên quan tới vấn đề bụi bẩn đó chính là không rửa tay trước khi thao tác. Kể cả khi bạn nghĩ rằng tay mình đã cực kỳ sạch thì… không sạch lắm đâu. Và khi bạn dùng những màu sáng như trắng hay vàng hoặc bán trong thì bụi bẩn trên tay sẽ xuất hiện trên đất sét. Kể cả những sợi xanh từ quần jean cũng có thể bám lên tay bạn và kết thúc bằng việc nằm gọn gàng trên mẩu đất sáng màu. Nên trước khi thao tác, hãy rửa tay thật kỹ và đừng quên làm sạch móng tay nữa nhé.

Một mẹo nữa là dùng những mảnh đất bán trong vụn nhồi thành một viên tròn để ở bàn làm việc. Trước khi thao tác thì bạn hãy chà viên đất này ở giữa hai tay, nó sẽ giúp bạn hút hết lông, sợi vải, bụi bẩn. Ngoài ra thì bạn cũng có thể chuyển đổi thao tác từ đất màu tối trước rồi mới sang màu sáng. Khi mà đất bị dính bẩn quá nhiều thì đừng tiếc mà hãy cứ vứt đi nhé!

8. Mua quá nhiều dụng cụ… vào lúc mới chơi

Những người mới bắt đầu tìm hiểu đất polymer thường sẽ mua tất cả những thứ trên quầy đất sét với suy nghĩ rằng tất cả đều cần thiết cho việc tạo hình. Chúng không chỉ rất đắt mà bạn còn chẳng cần hầu hết các dụng cụ đó nữa. Hãy bắt đầu với vài cây cơ bản và khi tay nghề được nâng cao thì hãy mua những cây có thể giúp cho sự sáng tạo sau đó của bạn.

9. Gắn đinh ốc mà không có lỗ xoắn

Khi bạn làm mặt dây chuyền hoặc charm trang trí, bạn sẽ muốn gắn móc treo lên trên đất. Một vài người thường hay cắt đinh ốc tùy độ dài nhất định, gắn thẳng vào đất sét. Nhưng sau khi nung thì phần thân của đinh ốc sẽ bị tuột ra khỏi đất. Một vài người khác thì sẽ dùng keo gắn gắn đinh vào đất đã nung, nó sẽ giữ được 1 thời gian nhưng sẽ không lâu bền.

Một cách tốt hơn là bẻ cong một đầu của đinh ốc trước khi gắn vào đất chưa nung. Làm như vậy sau khi nung đinh sẽ không bị rơi ra.

10. Dùng sai loại keo cho đất polymer

Superglue khá là tuyệt vời cho vài trường hợp nhất định. Nhưng nó không phải là loại keo tốt nhất nên dùng cho đất Polymer. Nhất là vì các loại superglue rẻ tiền mà chúng ta thích/ghét thường hay bị dính keo vào nắp (ugh rất là khó chịu). Keo super thường giòn còn đất polymer thì mềm dẻo, nên khi đất bị uốn, phần keo đã cứng sẽ rơi ra và liên kết giữa chúng sẽ bị phá vỡ. Tốt hơn hết chúng ta nên dùng keo dạng gel như Loctite Gel Contol hoặc loại cao cấp hơn như Poly Bonder của Lisa Pavelka.

Một loại keo thường được giới thiệu nữa chính là keo dùng đính trang sức E6000. Tuy dùng cho những trường hợp khác thì tốt nhưng nó thường bị tình trạng dẻo và khó khô hoàn toàn trên đất polymer. Nhiều người kết quả tốt nhưng còn lại thì không. Mình nghi là vấn đề nằm ở thương hiệu đất hoặc thời hạn của keo E6000. Tốt nhất là bạn luôn nên dùng keo dán nung của các hãng để dán đất với nhau hoặc dán kim loại với đất.

Cre. https://thebluebottletree.com/avoid-these-10-sculpey-mistakes/